Đàn ông Nhật Bản đấu tranh đòi quyền lợi sau kỳ nghỉ thai sản - Ảnh 1.

Một người đàn ông Canada sống tại Nhật Bản chơi cùng con trai. Nguồn: AP

Theo hãng thông tấn AP, một người đàn ông từng làm việc trong bộ phận marketing của công ty sản xuất đồ thể thao Asics Nhật Bản, nhưng bỗng nhiên bị chuyển xuống nhà kho sau kỳ nghỉ phép thai sản đầu tiên vào năm 2015. Anh được giao nhiệm vụ dịch các chính sách nghỉ lễ và giờ làm việc hàng ngày của công ty ra tiếng Anh, dù trình độ ngoại ngữ chỉ bập bõm.

Đến khi mắc bệnh đau vai, anh được phân công vào bộ phận hiện tại chỉ làm những công việc lặt vặt và không phải báo cáo công việc với ai.

Người đàn ông này yêu cầu giấu tên vì lo rằng mình sẽ bị trả thù thêm. Anh cho biết mình đã bị “ra rìa” như một cách trừng phạt vì nghỉ phép theo chế độ thai sản dành cho chồng sau khi vợ anh sinh đứa con thứ 2.

Người cha của 2 đứa con nhỏ này hiện là nguyên đơn của một trong những vụ kiện đầu tiên ở Nhật Bản về việc bị chèn ép sau kỳ nghỉ phép để chăm sóc vợ sinh con. Phiên điều trần thứ nhất dự kiến diễn ra trong tuần này.

Theo đơn kiện, anh muốn Asics phải trả lại công việc ban đầu cho mình và bồi thường 4,4 triệu yên (920 triệu đồng).

Vụ kiện này được coi là khác thường tại một đất nước mà nhân viên luôn đề cao sự trung thành với công ty. Họ chấp nhận những giờ làm việc kéo dài và các kỳ nghỉ lễ thường trôi qua trong quên lãng, nhất là các nhân viên nam.

Đối mặt với sự việc này, công ty Asics cho biết họ phản đối cáo buộc và cảm thấy “rất đáng tiếc” khi không đạt được thỏa thuận với nhân viên của mình mặc dù đã nỗ lực rất nhiều.

“Công ty của chúng tôi duy trì cam kết thúc đẩy sự đa dạng và mong muốn tạo một môi trường làm việc và hệ thống hỗ trợ để tất cả các nhân viên có thể làm việc hiệu quả trong suốt thời gian mang thai, sinh nở và nuôi con”, thông cáo của Asics nói.

Ông Makoto Yoshida, Giáo sư nghiên cứu Xã hội tại Đại học Ritsumeikan tin rằng xã hội Nhật Bản đã mất hàng thập kỷ mới chấp nhận việc cho đàn ông nghỉ phép ở nhà khi con chào đời, bởi vấn đề này không thể giao phó cho người nào khác.

“Lãnh đạo có thể cho rằng nhân viên nghỉ phép chăm con mới sinh là vô dụng. Người lãnh đạo đó có khả năng chưa bao giờ nghỉ phép để thực hiện nghĩa vụ làm cha. Và khi mọi người thấy một nhân viên bị đối xử tệ vì nghỉ chăm vợ sinh sẽ không ai muốn làm thế nữa”, ông Yoshida nói.